Hotline: 098 821 7749 info@acinternational.com.vn

Xu hướng CNTT

GDP Châu Á Thái Bình Dương sẽ tăng 387 tỷ USD vào năm 2021 nhờ vào những chuyển đổi số của ngành sản xuất.

Cỡ chữ

Theo các số liệu mới được Microsoft công bố ngày hôm nay, GDP của châu Á Thái Bình Dương sẽ đạt mức tăng trưởng  thêm 1,0% hàng năm nếu ngành sản xuất của khu vực này thực hiện chuyển đổi số. Vào năm 2021, GDP Châu Á Thái Bình Dương sẽ đạt thêm 387 tỷ USD nhờ vào những chuyển đổi số của ngành sản xuất.
 
Các tác động của chuyển đổi số đối với ngành sản xuất được nêu trong Nghiên cứu, “Giải mã những ảnh hưởng kinh tế của Chuyển Đổi Số tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương” [1] do Microsoft và IDC Châu Á/Thái Bình Dương thực hiện. Nghiên cứu này dựa trên cuộc khảo sát có sự tham gia của 615 lãnh đạo doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất trên 15 thị trường trong khu vực.
 
 
Ông Lucky Gani, Giám Đốc Tiếp Thị và Vận Hành Microsoft Việt Nam cho biết: “Thực hiện chuyển đổi số là một đòi hỏi cấp thiết đối với các nhà sản xuất. Những doanh nghiệp tiên phong trong cuộc hành trình chuyển đổi số đã đạt được những cải thiện về mặt năng suất, lợi nhuận và chi phí từ 13% đến 17% trong năm ngoái. Và họ sẽ cải thiện ít nhất 40% trong vòng ba năm tới, trong đó sự ủng hộ của khách hàng được dự đoán có tỷ lệ cải thiện cao nhất.”
 
 
 
Dữ liệu là chìa khóa của chuyển đổi số
 
Nghiên cứu đã cho thấy rằng các doanh nghiệp sản xuất đã dần nhận ra tầm quan trọng của dữ liệu. 44% đáp viên cho biết một trong KPI mà họ hiện sử dụng để đo lường mức độ thành công của chuyển đổi số là theo dõi cách dữ liệu được sử dụng như một tài sản vốn.
 
Trong năm nay, các doanh nghiệp sản xuất sẽ đầu tư vào công nghệ đám mây và phân tích dữ liệu lớn, sau đó là các giải pháp Trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ Nhận thức (Cognitive), Robot và Internet Vạn vận. Tới năm 2019, IDC dự đoán rằng 40% sáng kiến chuyển đổi số sẽ được hỗ trợ bởi khả năng Nhận thức/Trí tuệ nhân tạo[2], giúp cung cấp các thông tin quan trọng, kịp thời cho các mô hình vận hành và tiền tệ hóa mới ở Châu Á Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản).
 

 
Các doanh nghiệp sản xuất cần phải vượt qua các rào cản về kỹ năng, văn hóa và an ninh mạng
 
Nghiên cứu chỉ ra ba thách thức hàng đầu khi triển khai chuyển đổi số là:
  1. Thiếu kỹ năng và nguồn lực
  2. An ninh mạng và các mối đe dọa gia tăng
  3. Văn hóa phản đối và tách biệt
Ông Lucky Gani bổ sung: “Chuyển đổi số nên được xem như một môn thể thao đồng đội, không phải là một hoạt động kinh doanh độc lập. Các doanh nghiệp sản xuất cần phải giải quyết các thách thức về văn hóa và kỹ năng thông qua việc phát triển một nền văn hóa kỹ thuật số, đồng thời xác định những thay đổi cần thiết về tổ chức để tạo điều kiện cho chuyển đổi này diễn ra.  Các doanh nghiệp cũng cần phải có những giải pháp cải thiện kỹ năng số cần thiết cho các nhân viên của mình.
 
Phát triển mô hình kinh doanh mới trong kỷ nguyên số
 
Nghiên cứu cũng đưa ra đề xuất rằng các tổ chức nên áp dụng chiến lược dữ liệu ba bước để trở thành doanh nghiệp tiên phong về chuyển đổi số:
 
  1. Thu thập dữ liệu: Các tổ chức cần phải chuẩn bị sẵn một chiến lược dữ liệu để quản lý dữ liệu có cấu trúc và phi cấu trúc trong các chu trình công việc. Bằng cách đầu tư vào các giải pháp phân tích dữ liệu lớn và Internet vạn vật, các doanh nghiệp sản xuất có thể thu thập và sắp xếp dữ liệu một cách liền mạch hơn.
  2. Tối ưu hóa các sản phẩm và dịch vụ hiện tại thông qua dữ liệu: Bằng cách tận dụng dữ liệu, các doanh nghiệp sản xuất có thể tìm cách tối ưu hóa quy trình, chuỗi cung ứng và cuối cùng cải tiến sản phẩm và dịch vụ hiện tại của họ. Trong khi đó, việc sử dụng phân tích dữ liệu lớn, học máy và trí tuệ nhân tạo sẽ giúp doanh nghiệp tăng cường hiệu quả hoạt động thông qua phân tích dự đoán.
  3. Xây dựng mô hình kinh doanh mới dựa trên dữ liệu: Dữ liệu nên được sử dụng mới mục tiêu cuối cùng là tạo chuỗi giá trị và dịch vụ mới (tức là bảo trì dự đoán, Mô hình 3D và Hoạt động thông minh).
Tập đoàn hải sản Minh Phú là nhà sản xuất và xuất khẩu tôm hàng đầu tại Việt Nam và trên thế giới. Với tiêu chí không ngừng kết hợp kinh nghiệm, sự sáng tạo, và trách nhiệm để có được những sản phẩm tôm tốt nhất, phân phối đến hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới, Minh Phú đã sớm xác định chuyển đổi số là điều mà tập đoàn cần phải thực hiện nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời giữ vững vị thế hàng đầu của mình.
 
Sau một khoảng thời gian xây dựng môi trường làm việc hiện đại, an ninh và bảo mật, nhằm cải thiện hiệu năng làm việc và nâng cao tính tương tác giữa các bộ phận trong tập đoàn cùng Microsoft, Minh Phú đang bắt đầu thực hiện những dự án IoT lớn nhỏ khác nhau, nổi bật là dự án xây dựng mô hình nhà máy thông minh. Ông Lê Văn Quang, chủ tịch tập đoàn hải sản Minh Phú bày tỏ: “Với sự tư vấn và hỗ trợ của Microsoft, chúng tôi tin rằng tập đoàn sẽ có thể sớm ứng dụng công nghệ tiên tiến vào toàn bộ quy trình sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đầu cuối. Với việc tự động hóa từ những khâu như phân loại, chế biến, đóng gói đến quản lý máy móc, rủi ro, Minh Phú sẽ có thể rút ngắn quy trình sản xuất mà vẫn đảm bảo rằng người dùng sẽ nhận được những sản phẩm tươi ngon và chất lượng.”
 
 
 
[1] Giải mã những ảnh hưởng kinh tế của Chuyển Đổi Số tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương được thực hiện với 1,560 đáp viên của 15 thị trường:
 
  • 15 thị trường khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: Úc, Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.
  • Những lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo mảng CNTT được khảo sát đến từ những tổ chức có quy mô hơn 250 nhân viên.
  • Các ngành được khảo sát bao gồm giáo dục, dịch vụ tài chính, chính phủ, y tế, sản xuất và bán lẻ.
  • Những người tham gia khảo sát là những người đóng vai trò ra quyết định, tham gia vào việc định hình chiến lược số ở tổ chức mà họ đang làm việc.
[2] IDC, IDC FutureScape: Các dự đoán về chuyển đổi kỹ thuật số 2018 – Châu Á/Thái Bình Dương (Ngoại trừ Nhật Bản)
 
Nguồn: https://news.microsoft.com/vi-vn/